Lồng cọc khoan nhồi là một phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao hơn rất nhiều so với phương pháp đóng cọc móng thủ công. Nhằm đảm bảo thi công đúng kỹ thuật, chất lượng cọc nhồi bê tông đạt yêu cầu, quá trình này cần phải được xem xét kỹ lưỡng khu vực đất nền, tải trọng của công trình, máy móc sử dụng, phương pháp tiến hành… Bên cạnh đó, còn rất cần một đội ngũ xây dựng giàu kinh nghiệm và hiểu biết sâu về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố từ công trường và từ thao tác của người thợ mà có thể phát sinh những sự cố gây gián đoạn quá trình thi công và ảnh hưởng đến chất lượng công trình nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời.
Không rút được đầu khoan
Sự cố này thường xảy ra trong quá trình khoan cọc nhồi sử dụng ống vách. Trong một số trường hợp mất điện hoặc trục trặc máy cẩu khi đang khoan. Phần đất đá bên vách hố khoan vừa tạo sẽ đổ sập trong khi ống vách chưa được đưa xuống kịp thời. Đầu khoan lúc này bị đất đá lấp, đồng thời vướng vào thành ống vách, không thể kéo lên được.
Trong trường hợp này, cách khắc phục là rút ống vách lên khoảng 15 - 20 cm rồi sau đó mới rút đầu khoan lên và hạ ống vách xuống ngay sau khi đã rút xong. Đối với những ống vách đã hạ xuống sâu, khi kéo lên gặp khó khăn do độ ma sát lớn với thành hố khoan, nên thực hiện xói nước với áp suất lớn làm trôi đi phần đất đá lấp đầu khoan. Đồng thời khiến đầu khoan trôi xuôi xuống đáy hố theo phương thẳng rồi rút đầu khoan. Cần phải lưu ý cân bằng lượng nước trong hố khoan bằng cách vừa bơm sói nước, vừa hút nước ra khỏi hố.
Sự cố trong thi công lồng cọc khoan nhồi
Vách hố khoan bị sập
Sự cố này có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân:
- Do tốc độ tạo màng giữ vách hố khoan của dung dịch betonite không bắt kịp tốc độ tạo lỗ.
- Do dung dịch giữ thành pha không đúng tỷ lệ dẫn đến tỷ trọng và nồng độ không đạt yêu cầu.
- Do nước ngầm có áp lực cao
- Ống vách không được đặt thẳng đứng, bị đóng cong vênh, trong khi điều chỉnh lại sẽ khiến đất ở bên thành hố bị bung ra và sập xuống.
- Thời gian đổ bê tông vượt quá 24 tiếng khiến cho dung dịch giữ thành bị tách nước, không đáp ứng được yêu cầu ổn định thành hố khoan dẫn đến sập vách.
Để ngăn ngừa sự cố này, cần phải có giải pháp tốt ngay từ ban đầu:
- Giám sát chặt chẽ quá trình điều chế dung dịch giữ thành, đặc biệt là với phương pháp khoan cọc nhồi phản tuần hoàn. Thường xuyên kiểm tra chất lượng dung dịch khi đổ bê tông để khắc phục kịp thời nếu có tình trạng dung dịch tách nước.
- Nếu phát hiện có nguồn nước ngầm áp suất lớn, nên thả ống vách qua nước ngầm để ngăn sập vách.
- Duy trì tốc độ khoan hợp lý để tạo thời gian cho dung dịch giữ vách tạo màng.
- Khi thả ống vách cần thận trọng không để va chạm mạnh với thành hố khoan, thả thẳng đứng.
Sự cố trong thi công lồng cọc khoan nhồi
Không rút được ống vách lên (trong khi công khoan cọc nhồi sử dụng ống vách)
Nguyên nhân:
- Do tính chất của đất, đặc biệt là ở những tầng đất cát, lại chịu ảnh hưởng của áp lực nước ngầm nên sức kéo của máy cẩu không thắng được sức ì của sự cố kẹt ống vách. Lực ma sát với thành vách lớn, khó kéo ống vách lên.
- Do ống vách khi được hạ xuống đã bị lệch, nghiêng khiến khi kéo lên, ống vách không lên được theo phương thẳng đứng, lực kéo của máy cầu cũng bị giảm đáng kể.
- Do đổ một lượng bê tông quá lớn trước khi rút ống vách, làm tăng độ ma sát của ống vách với bê tông .
Khắc phục:
- Cần đảm bảo máy móc thiết bị thi công phù hợp với phương pháp, máy cẩu phải tải được trọng lượng của ống vách.
- Cần tiến hành thử nghiệm độ khả thi của việc rút ống vách ngay sau khi khoan lỗ và trước khi đổ bê tông (thử rung lắc và rút lên khoảng 15 – 20 cm).
- Trường hợp ống vách đang không nằm theo phương thẳng đứng, cần rung lắc nhẹ và lựa đưa ống vách trở về phương có lợi nhất cho phát huy lực kéo.
>>>Xem thêm: Thi công lồng cọc khoan nhồi đường kính nhỏ
0 comments:
Post a Comment